CHÉN CƠM nên THUỐC trong bệnh TIỂU ĐƯỜNG – Hỏi khó Đáp ngay với Bác sĩ Lương Lễ Hoàng

LTS: Trong chương trình phục vụ sức khỏe cộng đồng mang tên “Tuyên chiến với bệnh tiểu đường” từ năm 2020, Khoa Điều Trị Kết Hợp Đông Tây Y thuộc Trung Tâm Oxy Cao Áp Tp. HCM, đã cài gạo tím như “quà miễn phí” trong phác đồ điều trị. Vì sao gạo tím lại có mặt bên cạnh chẩn đoán chính xác theo y học hiện đại, bên cạnh thuốc đặc hiệu?, Kim Ánh (KA) đã trao đổi với “tác giả” Bác sĩ Lương Lễ Hoàng (LLH), về động cơ và mục tiêu của “hạt gạo màu tím hoa sim”.
 


 

1/ KA: Vì sao bác sĩ tập trung cao độ vào bệnh tiểu đường trong chiến dịch truyền thông ngay sau cơn đại dịch?

LLH: Với quan điểm xưa nay “không tìm mặt trăng giữa ban ngày”, tôi lần này đặc biệt chú trọng vào bênh tiểu đường vì 3 lý do cụ thể:

  • Số bệnh nhân tiểu đường ở xứ mình, tròm trèm cả chục triệu, đang tiếp tục tăng với tiến độ chóng mặt, với tỷ lệ biến chứng vượt xa mức báo động!
  • Người bệnh tiểu đường, nếu không được điều trị hiệu quả, rõ ràng là “khách sộp” trong danh sách “ứng viên hàng đầu trong cơn đại dịch” với tỷ lệ tử vong rất cao do sức để kháng mỏng te như bánh tráng bỏ quên dưới mưa dầm.
  • Vì thèm ăn nhưng không được ăn no nên nhiều người bệnh tiểu đường, tuy uống thuốc đúng y lệnh, nhưng khổ trăm bề vì mất ngủ do cảm giác đói hành hạ suốt đêm khiến “tiền thuốc mất trắng nhưng tật vẫn mang”


2/ KA: Vì sao người bệnh tiểu đường xứ mình no cơm mới yên bụng?

LLH: Chén cơm thân thương đã gắn liền với lịch sử tiến hóa của người da vàng từ nhiều ngàn năm. Không bàn đến khẩu vị, không luận về dưỡng chất, hạt gạo một khi thổi thành cơm là kích ứng đồng bộ trên bộ 3 thần kinh khứu giác, vị giác và thị giác; đồng thời là cảm ứng thân quen của mạng lưới cảm thụ thần kinh rải đều dưới niêm mạc dạ dày để tạo phản xạ có điều kiện “không cơm không về”! Nhiều người vì thể tuy ăn no nhưng hễ thiếu cơm vẫn thấy …đói! Đừng xem thường cảm giác chắc bụng và cảm xúc hài lòng sau bữa cơm vì đó là đòn bẩy đảm bảo quân bình trên trục “thần kinh – nội tiết – biến dưỡng – miễn dịch” để nhờ đó đánh thức sức kháng bệnh.


3/ KA: Cớ sao chén cơm ngàn đời nay lại không nên thuốc?

LLH: Món ăn nào cũng vậy, nếu đã được thử lửa qua bao thế hệ không thể vô cớ là nguyên nhân gây bệnh dưới góc nhìn theo kiểu “bới lông tìm vết, quét nhà ra rác”! Hạt gạo hiền hòa chỉ trở nên bất lợi cho sức khỏe một khi cơ tạng người ăn cơm bước qua ranh giới bệnh lý khiến món ăn thường ngày trở thành thuốc độc! Khi đó chỉ có hai phương án:

  • Về lý: Chẩn đoán chính xác theo y học hiện đại và trị bệnh đúng bài bản toàn diện để chữa bệnh tận gốc đồng thời phòng ngừa biến chứng.
  • Về tình: Khỏi phải quay mặt với chén cơm thân thương nhờ biết cách thay thế bằng hình thức, bằng phương tiện nào đó sao cho vẫn no cơm nhưng không rửng mỡ!


4/ KA: Vì sao cảm giác đói bất lợi cho sức khỏe?

LLH: Cơn đói sau khi ăn, không vô cớ xuất hiện để hành hạ nạn nhân trên cả 2 mặt tâm thể. Cảm giác đói, đặc biệt là đói cồn cào nhưng vừa ăn ít miếng bỗng no ngang, hay tệ hơn nữa đói đến phát run trong đêm, là biểu hiện cho thấy:

Mất quân bình trên trục thần kinh – nội tiết, như thường gặp ở người lao tâm, lao lực, thai phụ, hậu sản phụ, bệnh nhân sau cơn bạo bệnh, sau đợt hóa-xạ trị, đối tượng phải đồng hành với stress …
Rối loạn biến dưỡng dưới dạng tăng mỡ máu, tăng acid uric, béo phì, như thường gặp ở người tiểu đường, chay trường phiến diện!
• Phác đồ điều trị chưa hiệu quả như mong muốn, đặc biệt trong các căn bệnh gắn liền với hệ thần kinh giao cảm như bệnh tiểu đường, bệnh tuyến giáp, trầm uất, mãn kinh, mãn dục nam …


5/ KA: Cảm giác đói trong giấc ngủ tai hại thế nào?

LLH: Cảm giác đói vào buổi tối, nếu xuất hiện quá thường, là yếu tố hoàn toàn bất lợi cho sức khỏe người chưa bệnh, cho hiệu quả trị liệu ở người đang chữa bệnh, cho tiến trình phục hồi của người vừa qua cơn bạo bệnh, vì tâm trạng thèm ăn

  • Trước khi ngủ là kích ứng thái quá gây phản ứng sai lệch của trung tâm điều hành giấc ngủ khiến nạn nhân không tài nào chớp mắt cho dù mệt nhoài!
  • Trong khi ngủ là nhân tố ức chế hoạt tính của insulin khiến đường huyết giao động liên tục và phá rối giấc nam kha của nạn nhân!
  • Ngay sau khi thức dậy là tín hiệu hưng phấn hoạt động thái quá của tuyến thượng thận, của tuyến giáp trạng khiến đường huyết bội tăng buổi sáng sớm, đòn bẩy của biến chứng trong bệnh tiểu đường, cho dù nạn nhân đã uống đúng thuốc, đã không hề ăn trong đêm!
    Vấn đề gay cấn của người bệnh tiểu đường, nói riêng, cho tất cả đối tượng muốn đừng sớm ngã bệnh, là làm sao no bụng sau bữa cơm chiều nhưng tụy tạng không kiệt sức vì đường huyết trồi sụt thất thường?!


6/ KA: Vì sao gạo tím nên thuốc hơn gạo chà quá trắng?

LLH: Tỷ lệ dưỡng chất trong hạt gạo nằm trong khuôn khổ cố định của một tổng thể, Thêm được chất tốt thì bớt chất xấu. Hạt gạo một khi chà quá trắng, tuy bóng đẹp theo kiểu “đẹp phấn son”, nhưng chỉ “ngon đường mỡ” vì mất hết hoạt chất sinh học trong lớp vỏ lụa. Gạo trắng chủ yếu chỉ còn tinh bột, chất khi vào cơ thể sẽ hoán chuyển thành chất đường rồi sau đó thành chất béo gây xơ vữa nếu không được tiêu dùng đúng cách. Gạo tím, trái lại, bên cạnh lớp vỏ lụa phong phú chất kháng oxy-hóa, sinh tố B, khoáng tố vi lượng …, nhờ dồi dào chất màu tím anthocyanin với công năng điều hòa biến dưỡng, thư giãn thần kinh, phòng chống ung thư nhờ vừa ít tinh bột, vừa nhiều chất xơ hỗ trợ cho chức năng thanh lọc của đường tiêu hóa nên qua đó gián tiếp giải tỏa áp lực cho các cơ quan giải độc trọng yếu như lá gan, trái thận, khung ruột làn da.


7/ KA: Dùng gạo tím thế nào cho nên thuốc?

LLH: Có vài điểm cần lưu ý để đúng nghĩa “chọn gạo gửi tiền”:

  • Không nhất thiết phải xơi gạo tím mỗi ngày! Áp dụng cường điệu bao giờ cũng trái với nhịp sinh học. Nên chủ động và linh động dùng gạo tím một đợt 5-10 ngày khi mệt mỏi, khi giấc ngủ mất chất lượng, khi chức năng tư duy giảm nhạy bén, khi đường huyết dao động và nhất là khi có lời khuyên thực tiễn của thầy thuốc.
  • Không cần thiết phải dùng gạo tím ngày 3 bữa để mau khỏe … nhà sản xuất! Quan trọng là bữa cơm chiều để nhờ anthocyanin và các acid amin trong gạo tím, như GABA, tryptophan, lecithin … làm phương tiện thanh lý tạp niệm nhằm bắt trớn cho giấc ngủ yên bình.
  • Đừng dùng gạo tím một cách mau nhàm chán như món độc vị trong bữa ăn! Gạo tím càng nên thuốc nếu bữa ăn đa dạng với rau củ, đủ lượng nước trong và sau khi ăn, và nhất là khi bữa ăn thật ngon miệng với người thân tề tựu.
  • Rất nên dùng gạo tím cho người ăn chay để bổ sung các dưỡng chất khó tránh thiếu hụt do chay trường quá đơn điệu.


8/ KA: Nấu gạo tím thế nào cho đáng tiền?

LLH: Nhờ hương vị độc đáo, gạo tím là nguyên liệu có thể chế biến đa dạng thành nhiều món ăn ngon như cháo, xôi, chè, bún, bánh, cơm rượu …Để tránh thất thoát anthocyanin không cần vo gạo mạnh tay. Chỉ cần rửa gạo 1-2 lượt nhẹ nhàng qua rây dưới dòng nước sạch. Sau đó ngâm gạo khoảng 30 phút với lượng nước cao hơn mặt gạo khoảng 1 lóng ngón tay, gia giảm tùy khẩu vị thích cơm mềm hay cơm khô. Khi nấu cơm, dùng luôn nước ngâm gạo để tận dụng lượng anthocyanin đã thẩm thấu trong nước ngâm gạo. Khi nấu cơm, nếu nêm chút dầu (dầu đậu nành, dầu olive …), chút muối, hay bột nêm từ nấm, từ rau củ, cơm càng ngon.


9/ KA: Nói có sách thua xa mách có chứng. Bác sĩ có gì tâm đắc trong quá trình dùng Anthocyanin trong gạo tím cho người bệnh tiểu đường?

LLH: Với người bệnh tiểu đường, với đối tượng dễ là miếng mồi ngon của căn bệnh này (tim mạch, viêm gan, béo phì, stress …) lượng đường huyết đo sáng sớm lúc bụng đói không phản ánh trung thực tình trạng bệnh lý vì chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố chủ quan, chẳng hạn tâm trạng lo lắng trong đêm, giấc ngủ trăn trở suốt đêm, chế độ dinh dưỡng đêm trước, thuốc dùng trong ngày hôm qua … Thầy thuốc nhiều kinh nghiệm với bệnh tiểu đường hiện nay chọn xét nghiệm đặc hiệu HbA1C để đo lượng đường gắn vào huyết cầu tố vì đó là tiêu chí chính xác để đánh giá mức độ ổn định đường huyết có thể kéo dài đến 90 ngày trước khi đo. Trị số này càng ổn định, bệnh nhân càng khỏe, càng ít lo biến chứng. Kết quả khảo sát HbA1C của lô bệnh nhân áp dụng sau vài tuần áp dụng gạo tím An Thọ trong bữa cơm chiều cho thấy trị số này được cải thiện thấy rõ nếu so với nhóm bệnh nhân thậm chí tuy được điều trị bằng thuốc đặc hiệu với liều cao hơn, nhưng thiếu Anthocyanin trong chế độ dinh dưỡng.


10/ KA: Vì sao bác sĩ đặt tên cho “tác phẩm mạnh vì gạo nhưng không cần bạo vì tiền” là Gạo An Thọ?

LLH: Ăn được ngủ được là tiên. Chưa thấy tiên nào phải lọc thận, phải đột quỵ, đột tử vì bệnh tiểu đường. Nhờ giấc ngủ bình AN nên sống THỌ, còn muốn gì hơn trong thời buổi “đoạn trường ai cũng qua cầu mới … đau”?!


Bác Sĩ Lương Lễ Hoàng.

  👉 👉  Hãy CHIA SẺ với NGƯỜI THÂN YÊU, BẠN BÈ để có nhiều người được lợi lạc từ những kiến thức hữu ích này.

 

Quí khách muốn LƯU bài viết này để ĐỌC LẠI? Hãy điền EMAIL và nhấn nút - GỞI CHO TÔI.
Hoặc dùng chức năng SHARE của Facebook hay ZALO để lưu về TƯỜNG Facebook (hay ZALO) của mình.

Để thường xuyên được cập nhật những bài viết hữu ích, hãy LIKE fan page của chúng tôi:
Bài viết hay