Thiếu mỡ, thiếu muối, hư bột hư đường – Hỏi khó Đáp ngay với Bác sĩ Lương Lễ Hoàng.

Do nhiều bản tin quá nặng “gam màu xám”, nên nhiều người hiện nay phải chịu hình phạt ngày ngày muốn ăn nhưng nuốt không vô do khẩu vị nhạt thếch vì món ăn thiếu mỡ, thiếu muối.

Có nhất thiết phải đánh đổi sức khỏe bằng cuộc sống mất chất lượng hay vẫn còn cách “liệu cơm gắp mắm”? Kim Ánh (KA) đã “thay lời muốn hỏi” của độc giả để trao đổi với Bác sĩ Lương Lễ Hoàng (LLH), tác giả của “Dinh dưỡng để phòng bệnh” qua nhiều lần tái bản.
 

KA: Thưa bác sĩ, tại sao có người không ăn béo mà vẫn tăng mỡ máu?

LLH: Không hẳn vì có ăn nên có chịu. Trong trường hợp bệnh lý, như trong bệnh tiểu đường, nhược tuyến giáp, mãn kinh,… cho dù nhịn ăn thịt mỡ đến đói meo cũng bằng không, vì cơ thể tự tổng hợp chất béo, chẳng hạn từ chất đường thặng dư, từ rối loạn nội tiết tố. Éo le chính ở điểm lá gan mỗi khi tổng hợp chất béo, lại tập trung vào loại mỡ gây xơ vữa mạch máu, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, suy thận,… điển hình là 2 loại có tên viết tắt là TGL và LDL.


KA: Nhiều món ăn, đặc biệt là thực phẩm công nghệ, như mì ăn liền, thường bị soi mói như thủ phạm tăng mỡ máu vì chứa chất béo loại transfat. Chuyện này nên hiểu sao cho đúng?

LLH: Transfat hầu như có mặt trong đại đa số thực phẩm. Mì ăn liền với cấu trúc căn bản là tinh bột tất nhiên phải có chút chất béo. Thêm vào đó, thiếu chất béo núp trong cọng mì thì mì làm sao ngon miệng. Vấn đề chỉ là hàm lượng chất béo trong mì ăn liền có vượt quá định mức an toàn, nghĩa là định mức đã được ngành y tế xác định là không thể gây bệnh. Quan trọng hơn nữa là cách dùng thực phẩm công nghệ. Nếu ngồi ì một chỗ cả ngày trước máy truyền hình, nếu chọn bia thay nước, nếu xơi tái mỗi ngày mấy gói mìthiếu thực phẩm xanh đi kèm thì mỡ máu nếu không tăng mới lạ! Đến thuốc kia nếu dùng sai cũng thành thuốc độc, cớ sao lại vạch lá tìm sâu trong món ăn đã gắn liền với cuộc sống từ mấy chục năm.

 

KA: Nếu lý do không núp trong món ăn thì nguyên nhân hàng đầu là đâu?

LLH: Sai, nếu nghĩ TGL và LDL lúc nào cũng sinh sự khiến mạch máu chai cứng vì mảng xơ vữa dán chặt vào thành mạch. Hai chất này, cho dù đầu vào không quá tải, vẫn tăng nếu tế bào không dùng hết chất béo. Khi đó, thay vì đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, chất mỡ lại rong chơi trong mạch máu và khi gặp điều kiện thuận tiện, chẳng hạn vì kẹt xe trên đường vận chuyển do dòng máu quá đậm đặc dưới ảnh hưởng của stress, hay vì mạch máu co thắt thái quá do gia chủ ngày đêm căng thẳng thần kinh, hay do mặt trong mạch máu trầy xước vì tác hại của chất oxy-hóa sản sinh từ khói thuốc lá, độ cồn, dược phẩm dùng sai …, rất dễ tấp vô thành mạch máu rồi ở lại không về.

 

KA: Hết mỡ đến muối. Cũng vì nhiều bản tin tả oán về tác hại của muối ăn nên nhiều người chọn ăn lạt như biện pháp tránh thầy thuốc. Chuyện này đúng sai thế nào?

LLH: Đúng là mệt tim nếu thừa muối ăn, vì muối giữ nước. Nếu nghĩ ngược lại theo kiểu càng thiếu muối càng khỏe thì hố nặng, vì Na trong muối ăn là khoáng tố đại lượng cần thiết cho dẫn truyền thần kinh. Khỏi dông dài cũng hiểu, bao nhiêu bệnh chứng tâm thể thừa nước đục thả câu một khi dẫn truyền thần kinh hoặc kẹt xe, hoặc lạc đường, hoặc cả hai.

 

KA: Quá thiếu muối dễ dẫn đến hậu quả nào đáng lo?

LLH: Nếu muốn tìm một bệnh gắn liền với tình trạng thiếu muối khó có dẫn chứng nào điển hình cho bằng tình trạng huyết áp dao động, khi trồi khi sụt, lúc cao lúc thấp, khiến bệnh nhân suốt ngày lao đao. Khó chính ở chỗ, thà cao hay thấp cho phân minh để thầy thuốc dễ cho thuốc theo kiểu phản đòn. Khổ chính ở chỗ nửa nạc nửa mỡ, vừa xong viên thuốc hạ áp thì tụt huyết áp, mới uống thuốc trợ tim thì huyết áp nhảy vọt phải kêu xe cấp cứu! Tình trạng này, theo kết quả nghiên cứu hẳn hoi, rất đậm nét ở người vì quá sợ bệnh nên chọn kiểu ăn khử muối, đến độ cá chưa ươn nhưng người đã quá … “đát”!

 

KA: Thêm 1 điểm đang là nỗi trăn trở của người tiêu dùng. Nhiều người quen món mặn mà, chẳng hạn mì ăn liền, nhưng giờ phát thèm vì kiêng hết do sợ bệnh. Chuyện này nên hiểu sao cho đúng?

LLH: Vì tác dụng giữ nước của muối ăn nên thầy thuốc từ nhiều thập niên đã kết tội muối ăn đủ điều. Ít khi tìm được bài viết nào trên truyền thông đại chúng với nội dung biện hộ cho muối ăn, dù là trong bếp nhà nào cũng có lọ muối. Dù là nhiều người lên bàn ăn dáo dác cứ như thiếu ai đó cùng ăn cho vui, nhưng chẳng qua vì chưa tìm ra lọ muối để rắc như phản xạ, dù chưa nếm qua món ăn. Đúng là không nên thừa muối nhưng muối, cũng như tiền lương, thiếu quá, thiếu hoài khó sống. Bằng chứng là:

  • Người ăn lạt nhưng có cuộc sống quá căng thẳng cũng không phòng ngừa bệnh tim mạch, nếu so sánh với người biết cách nêm muối vừa phải, vừa hiểu cách sống sao cho thư giãn.
  • Ăn lạt tuyệt đối không giúp ích bao nhiêu cho người đang được điều trị vì cao huyết áp, thiếu máu cơ tim,… Trái lại, nếu được điều trị hiệu quả và ổn định, người bệnh có thể yên tâm nêm thêm chút muối để bữa ăn đúng nghĩa ăn ngon.
  • Người sau cơn nhồi máu cơ tim nếu có chút muối trong khẩu phần, sẽ dễ hồi phục và ít bị tái phát hơn bạn đồng môn bị bắt ăn lạt.
  • Người cao niên thuộc nhóm có chế độ dinh dưỡng lạt èo, có dấu hiệu sa sút trí tuệ cao gấp ba lần số đối tượng thuộc nhóm có chế độ dinh dưỡng không thiếu muối.

Bác Sĩ Lương Lễ Hoàng.

  👉 👉  Hãy CHIA SẺ với NGƯỜI THÂN YÊU, BẠN BÈ để có nhiều người được lợi lạc từ những kiến thức hữu ích này.


 

Quí khách muốn LƯU bài viết này để ĐỌC LẠI? Hãy điền EMAIL và nhấn nút - GỞI CHO TÔI.
Hoặc dùng chức năng SHARE của Facebook hay ZALO để lưu về TƯỜNG Facebook (hay ZALO) của mình.

Để thường xuyên được cập nhật những bài viết hữu ích, hãy LIKE fan page của chúng tôi:
Bài viết hay