TĨNH MẠCH không vô cớ bỗng… SUY!!

Nhìn qua ngậm đắng nuốt cay thế nào!
Có một điều rõ hơn ban ngày, chắc hơn đinh đóng cột. Đó là phụ nữ nào cũng muốn… đẹp! Ngoại hình càng quan trọng hơn nữa với thương nhân thuộc giới má hồng muốn mình thanh lịch, muốn ta duyên dáng trong những bộ đầm, váy ngắn thời trang để họ tự tin trong giao tiếp. Éo le thế nào khi trang phục quyến rũ, quí phái nhưng trên bắp chuối, ở nhượng chân lại vắt vẻo vài tĩnh mạch xanh rờn, ngoằn ngoèo, cứ như bị đĩa bám vì vừa xuống… ruộng!

Vấn đề không chỉ là chuyện thẩm mỹ!
Theo thống kê của các hãng bảo hiểm ở châu Âu, hơn phân nửa phụ nữ từ tuổi 40 gặp trục trặc ít nhiều với tĩnh mạch chi dưới thể hiện qua dấu hiệu tê như kiến bò, đau thắt đến độ đang đi phải dừng lại, vọp bẻ giữa đêm khuya khiến nạn nhân mất ngủ…! Nhiều khi nghiêm trọng đến độ trong số đó có tối thiểu 1/3 cần được điều trị bởi thầy thuốc chuyên khoa. Số nạn nhân của viêm tĩnh mạch sở dĩ đông đến thế, không chỉ vì cấu trúc dễ suy yếu của tĩnh mạch. Nguyên nhân chính là vì nhiều phụ  nữ, dù còn rất trẻ, bề ngoài coi vẫn còn rất khỏe, vận động quá ít trong cuộc sống quá tiện nghi. Tư thế ngồi quá yên và nhất là quá lâu chính là lý do khiến máu dễ ứ đọng trong hệ thống tĩnh mạch chi dưới. Nong hoài sớm muộn cũng giãn! Tĩnh mạch, nếu so với động mạch, vì ít sợi đàn hồi trên thành mạch nên dễ giãn chỗ này, phình chỗ kia khiến mạch máu cong vẹo. Đã vậy máu trong tĩnh mạch chứa nhiều thán khí nên mạch máu thiên về gam màu xanh. Suy tĩnh mạch vì thế có ngoại hình khó ưa!

Đừng trông mặt mà bắt hình dong.
Đừng nghe tên rồi đoán mò công việc. Nếu tưởng tĩnh mạch chỉ nằm chơi phơi nắng thì lầm. Máu trở về tim phải qua hệ thống tĩnh mạch nằm cạn dưới da. Mạng lưới này mỗi ngày phải góp phần kéo tối thiểu 7.000 lít máu về tim và phổi, kể cả trong lúc gia chủ đang ngủ! Gặp lúc trời nóng, tĩnh mạch áp lực của công việc này càng cao vì tĩnh mạch giãn nở nên máu càng khó về tim. Đừng nghe thế rồi tưởng tĩnh mạch ưa trời lạnh. Người ngồi quá lâu trong phòng có máy điều hòa không khí vặn tối đa là lý do khiến tĩnh mạch phải co rúm. Máu khi đó cũng kẹt cứng như kẹt xe. Thêm vào đó, nếu gia chủ có dòng máu quá đậm đặc vì uống nước không đủ trong giờ làm việc, hoặc thường gặp hơn nữa, vì thường xuyên bầu bạn cùng stress, nếu thành tĩnh mạch “suy dinh dưỡng” từ thói quen kiêng khem thái quá thì viêm tĩnh mạch sớm muộn không mời cũng đến.

Chuyện nhỏ dễ xé ra to!
Đáng tiếc nếu tĩnh mạch vì thế mà viêm vì hậu quả không đơn giản chút nào. Bên cạnh chuyện đau nhức hạ chi, phù nề bàn chân, tình trạng ứ máu trong tĩnh mạch thậm chí có thể dẫn đến thuyên tắc phổi, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim… nếu vì lý do nào đó cục huyết đông bị vướng lại đâu đó trên đường thông khí, não bộ, thành tim. Chính vì thế mà ngành y nước Đức hàng năm đều tổ chức “Ngày tĩnh mạch” nhằm phổ biến kiến thức cập nhật về cách phòng và chữa căn bệnh này cho thầy thuốc lẫn bệnh nhân.

Cẩn tắc vô áy náy
Nếu nghĩ bệnh tĩnh mạch không có dấu hiệu báo động thì sai. Không nên xem thường nếu dấu hiệu sưng cổ chân, vọp bẻ, tê đầu ngón chân xảy ra càng lúc càng thường xuyên dù bản thân không hề bị chấn thương. Trái lại, nên sớm gõ cửa thầy thuốc khi ghi nhận những dấu hiệu báo động dưới đây:
•    Nặng chân, mỏi chân sau vài giờ ngồi hay đứng yên.
•    Cảm giác tê rần sau khoảng nửa giờ đi bộ.
•    Vọp bẻ trong đêm dù ban ngày chẳng hề vận động.
•    Chân ngủ táy máy không yên khiến mất ngủ giữa đêm.
•    Nóng rát dưới lòng bàn chân dù ngồi trong phòng lạnh.
•    Sưng cổ chân buổi sáng sớm khiến khó mang giày.
•    Dấu hằn của giày trên lưng bàn chân dù giày không chật.

Càng nên nhanh chân hơn nữa nếu nạn nhân đã có lần đau khổ khó nói vì… trĩ! Nếu tĩnh mạch ở vùng nhạy cảm đã có vấn đề thì mạch máu ở chi dưới dễ gì không gặp trục trặc.

Phòng cháy hơn chữa cháy
Nếu tưởng bệnh này do trời kêu ai nấy dạ thì càng sai. Trên thực tế, có thể phòng ngừa suy tĩnh mạch không mấy khó, nếu đừng quên một số biện pháp tương đối đơn giản như:
•    Tập thói quen khi bước đi không theo kiểu rón rén bằng mũi chân. Trái lại, đặt gót xuống trước rồi mới đến đầu ngón chân để bắp thịt mặt sau chi dưới thông qua thao tác này xoa bóp tĩnh mạch vùng gót chân, bắp chuối và đưa máu về tim.
•    Giới hạn tối đa việc dùng thang máy, nhất là thang lăn trong các siêu thị vì rung động của loại thang này khiến máu dễ ứ đọng trong tĩnh mạch. Cũng chính vì thế mà việc lạm dụng các dụng cụ xoa bóp chi dưới thường không có lợi nếu gia chủ cho máy chạy theo cả hai chiều lên xuống, hoặc tệ hơn nữa theo chiều ngang. Muốn xoa bóp tĩnh mạch chi dưới đừng quên theo chiều từ dưới lên trên, chiều trở về trái tim.
•    Giảm cân cho bằng được nếu béo phì vì trọng lượng quá tải là áp lực liên tục trên hệ thống mạch máu của vùng chậu và chi dưới. Nhưng ngược lại, không nên làm gầy đến độ suy dinh dưỡng, vì thành tĩnh mạch khi đó cũng yếu theo.
•    Nếu phải ngồi lâu đừng quên xoay tròn 2 bàn chân theo cả hai chiều tối thiểu 10 lần mỗi giờ. Khéo hơn nữa là thỉnh thoảng dùng ngón chân gắp vật gì đó trên mặt đất.
•    Nếu đứng lâu, thỉnh thoảng nhớ nhón gótco duỗi các ngón chân, cũng tối thiểu 10 lần mỗi giờ.
•    Nhớ kê chân cao khoảng nửa giờ sau một ngày làm việc mệt mỏi. Tốt hơn nữa là 10 phút sau mỗi 2 giờ làm việc.
•    Dùng vòi nước lạnh, tưới đều hai chân theo chiều từ dưới lên trên, nhất là mặt sau chi dưới, nếu được hai lần, mỗi lần 5 phút, sau khi thức dậy và trước khi đi ngủ càng tốt.
•    Tranh thủ đi bộ thật nhanh mỗi ngày một lần. Không cần lâu hơn 15 phút nhưng đi liên tục một lèo. Đi ít bước rồi dừng trước cửa kính tiệm quần áo thời trang là thói quen khiến tĩnh mạch mau suy.
•    Bơi lội là môn thể thao thân thiện nhất với tĩnh mạch vì áp lực dưới nước vừa giúp đẩy máu về tim vừa làm mạnh thành tĩnh mạch.
•    Chú trọng các món ăn tăng độ bền của tĩnh mạch, độ loãng của máu như diếp cá, atixô, rau má

Suy tĩnh mạch đúng là nỗi trăn trở của nhiều phụ nữ. Nhưng đừng vì thế mà lo sợ thái quá. Nếu bệnh có thể phòng ngừa thì đợi chi nước đến chân mới nhảy. Có khó gì đâu nếu mỗi ngày đừng quên tĩnh mạch. Có qua có lại mới toại lòng nhau.


Bác sĩ Lương Lễ Hoàng.

==> Hãy CHIA SẺ với NGƯỜI THÂN YÊU, BẠN BÈ để có nhiều người được lợi lạc từ những kiến thức hữu ích này.


MỘT SỐ BÀI VIẾT RẤT HỮU ÍCH KHÁC CỦA BÁC SĨ LƯƠNG LỄ HOÀNG VỀ “LÀM ĐẸP”:

1.  Làm sao PHƠI NẮNG mà DA vẫn ĐẸP? Xem tại: https://bit.ly/2TTJxQd

2.  Nhờ thầy “ONG” làm ĐẸPXem tại: https://bit.ly/3mRPj1j

3.  HAI mặt giáp công mới mong LẦU GIÀXem tại: https://bit.ly/3jS8N49

4.  Càng THIẾU NGỦ càng mau NHĂN!  Xem tại: https://bit.ly/3860cbL

5.  Vì sao da nàng dễ NÁM từ độ ấy?  Xem tại:  https://bit.ly/3jTwWHh

6.  Tại sao GIÀ rồi vẫn nổi MỤN?  Xem tại: https://bit.ly/38fNbwt

7.  DA xấu vì HƯU quá NON!  Xem tại:  https://bit.ly/3kWYtZU

8.  Nhìn đâu biết TUỔI?  Xem tại:  https://bit.ly/3eoYnYm

9.  Vì sao càng CHƠI càng tăng VÒNG SỐ 2?!  Xem tại:  https://bit.ly/2HSNYsr

Quí khách muốn LƯU bài viết này để ĐỌC LẠI? Hãy điền EMAIL và nhấn nút - GỞI CHO TÔI.
Hoặc dùng chức năng SHARE của Facebook hay ZALO để lưu về TƯỜNG Facebook (hay ZALO) của mình.

Để thường xuyên được cập nhật những bài viết hữu ích, hãy LIKE fan page của chúng tôi:
Bài viết hay